LUẬT SƯ CÓ THỂ VÀO TRẠI TẠM GIAM ĐỂ GẶP BỊ CAN, BỊ CÁO KHÔNG

  • 11/10/2023

LUẬT SƯ CÓ THỂ VÀO TRẠI TẠM GIAM ĐỂ GẶP BỊ CAN, BỊ CÁO KHÔNG

Quy định pháp luật về gặp bị can, bị cáo bị tạm giam

Người được gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam

Căn cứ khoản 1, 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định những người sau đây được gặp bị can, bị cáo khi bị can, bị cáo bị tạm giữ, tạm giam:

  • Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
  • Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.

Trường hợp không được gặp bị can, bị cáo bị tạm giam

Căn cứ khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì những trường hợp sau đây Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam:

  • Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
  • Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
  • Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
  • Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
  • Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
  • Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
  • Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
  • Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam của luật sư

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 73, Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 thì người bào chữa có quyền gặp người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam để thực hiện bào chữa. Luật sư là người bào chữa cho bị can, bị cáo thì sẽ có quyền được gặp bị can, bị cáo dù họ đang bị tạm giữ, tạm giam. Trừ trường hợp bị Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Thủ tục luật sư xin gặp bị can, bị cáo bị tạm giam

Khi luật sư đến gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì cần thực hiện như sau:

  • Xuất trình giấy tờ tùy thân: Thẻ Luật sư, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, …
  • Xuất trình giấy tờ về việc bào chữa: Văn bản thông báo người bào chữa.
  • Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
  • Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.
  • Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án.
  • Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ.
  • Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.
  • Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ.

Ngoài ra, khi tổ chức cho người bị tạm giam, tạm giữ gặp người bào thì thì cơ sở giam giữ sẽ phối hợp với Thủ trường, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc với bác sỹ điều trị để giải quyết việc cho họ gặp nhau.

Cơ sở pháp lý: Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an ban hành và Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành.